TRƯỚC KHI BẮT ĐẦU, HÃY XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU HỌC TIẾNG ANH CỦA BẠN!

Những sai lầm từng khiến mình khổ sở khi luyện nghe

Những sai lầm từng khiến mình khổ sở khi luyện nghe

Nhiều lúc nghe đi nghe lại một câu mà không thể hiểu được rất là cay cú 😣

Mà lúc mở script ra xem còn cú cay hơn. Rõ ràng cái từ đấy mình biết mà sao không nghe ra được.

Bất lực. Kể mà từ vựng kém thì còn biết đường mà bổ sung. Đằng này, từ vựng hoành tráng mà nghe mãi vẫn bập bõm chỗ được chỗ không mới bực chứ.

Theo Mysheo, có những lý do chính như sau:

1. Não mình không nghe ra được các âm nối (connected speech)

Ví dụ: Khi nghe thấy "Ai la viu" ta thường bị mắc ở cái âm "viu" kia. Bạn có lẽ sẽ nghĩ rằng đó là từ "view" (=viu).

"Không hiểu "I la view" nghĩa là gì nhỉ?

Sao chỗ này lại nói đến view nhỉ?

Kỳ ghê!"

Lúc này, não cứ loay hoay mãi để tìm ra nghĩa của câu đó - trong khi đoạn băng đã chạy tiếp vù vù.

Tai bị vướng lại ở câu trước, mất tiếp câu sau, hoảng quá đánh mất cả bài nghe.

Không biết các bạn học nghe tiếng Anh có đang bị vậy không? Chứ với Mysheo đây là vấn đề chính làm mình khổ sở hồi học nghe.

Có những lúc, mình tuyệt vọng tới mức đã nghĩ "Chắc mình chẳng bao giờ có thể nghe hiểu kịp đâu. Chỉ những bạn được đầu tư đi học với Tây từ lúc 5 tuổi họ mới nghe ra được. Chứ mình bây giờ mới cố thì quá muộn rồi."

 

sai-lam-khi-luyen-nghe-huong-mysheo

Bí ẩn đằng sau câu "I la view" từng khiến mình muốn từ bỏ luyện nghe

Sự thật là gì?

Đơn giản đó là do âm v_nối liền với_you tạo thành v-you trong câu "I love you."

Từ sau khi được "khai sáng" về cách người bản xứ nối âm, mình cảm giác như khả năng luyện nghe của mình lại thêm một lần thăng hạng vậy! Chao ôi là vui sướng!

Để hiểu thêm về âm nối, hãy xem video này của anh đẹp trai Kenny.

2. Mình nhớ nhầm cách phát âm của từ

Cái này thì quá rõ ràng rồi.

12 năm học phổ thông giống như 12 năm lừa tình tiếng Anh. Không phải mình muốn bêu rếu các thầy cô đâu, nhưng phải đau lòng nhận ra rằng các thầy cô phát âm tùy tiện dễ sợ. Sai loằng tà ngoằng luôn.

Giờ đây ngồi nghĩ lại cái cách dạy tiếng Anh ở trường phổ thông, nó đúng là cái gốc rễ khiến chúng ta kém tiếng Anh như vậy.

Cô đọc trò nhại theo. Cô luôn đúng nên trò chỉ cần bắt chước. Bắt chước một cách tủn mủn mà không hề có hiểu biết gì về hệ thống các âm trong tiếng Anh?

Tại sao cô không dạy chúng em bảng phiên âm quốc tế IPA để chúng em có thể tự tra từ điển?

Như vậy, khi không có cô ở bên, chúng em vẫn biết cách đọc của từ. Chúng em không phải lệ thuộc vào cô.

Tại sao cô không dạy chúng em bảng phiên âm quốc tế IPA để chúng em học chuẩn ngay từ đầu?

Như vậy, em không phải mất thời gian sửa sai, mất thời gian học lại.

Cô cứ đọc mãi từ career là "ké ri ờ", nó hằn vào não em rồi, làm em nghe mãi không ra từ này. Hóa ra phải đọc là "cờ ri ờ" (nhấn âm 2).

Học được cái bảng phiên âm này là mở ra chân trời mới đó. Dễ í mà!

Xem thêm: Mọi điều bạn cần biết về bảng phiên âm tiếng Anh IPA

Nhớ đúng phát âm của từ thì mới bắt trúng từ đó lúc nghe được.

3. Không liên tưởng được từ cần nghe với nội dung tổng thể

Khoản này quan trọng nha. Càng lên cao thì cái này càng quan trọng.

Theo kinh nghiệm của mình, bạn không bao giờ có thể nghe rõ 100% các từ được đâu, nhất là khi gặp người có âm nặng (heavy accent). Ôi zời chẳng nói đâu xa, mình bây giờ đôi khi vẫn ngớ người ra. Trên lớp nghe giảng rất là dễ hiểu, khó là lúc đi ra ngoài hàng ăn với mua đồ ý.

Cái câu "Do you want your receipt in the bag?" Đếm xem nào. 1 2 3 4 5 6 7 8 từ. Thế mà lúc họ nói thề là vèo vèo vèo trong 2 giây, và chỉ nghe được các âm "want" "ceipt" "bag" còn cái mớ từ còn lại nó líu hết cả lại với nhau.

 

sai lam-khi-luyen-nghe-huong-mysheo

Chị thu ngân: "Do you want your receipt in the bag?" - Mysheo: "... Huh?"

Nói thật là những ngày đầu mới sang Mỹ, họ nói những câu kiểu này mắt mình cứ tròn xoe hết cả lại với nhau vì ở Việt Nam làm gì có cái chuyện mua xong còn đưa hóa đơn.

Đấy, trong cái câu trên không hề có nối âm, không hề có từ nào mình không biết cách phát âm, mà nó vẫn làm khó mình được.

Chuyện tương tự có thể đã xảy ra với bạn khi luyện nghe 🙂

Giải pháp ở đây là, não bạn phải cực kỳ linh hoạt. Đừng cố chú trọng ở một từ đơn lẻ. Hãy dựa vào văn cảnh của câu để đoán ra từ đó là gì.

Trong ví dụ trên, khi nghe được âm "sít" bạn phải có khả năng hình dung ra đó là chữ ceipt trong receipt. Bạn mà hình dung thành chữ "sit" - ngồi - là bạn toi luôn, khỏi hiểu nổi người ta muốn nói gì luôn haha.

Trên đây là những tâm sự chân thật của Mysheo. Bạn nào đang thực sự luyện Listening chắc chắn sẽ tìm thấy mình trong đó.

* Bạn thấy đó, muốn nghe tốt, nói tốt, thì ít nhất phải có phát âm chuẩn đã! Cùng Mysheo luyện phát âm kết hợp nghe nói, tạo đà cho tiếng Anh giao tiếp của bạn nhé:

luyen-nghe-phat-am-tieng-anh-huong-mysheo

 

What are you looking for?