8 QUY TẮC CƠ BẢN GIÚP BẠN LÀM CHỦ WRITING TASK 2
1. Quy tắc 5 – 30 – 5
Trong bài thi IELTS Writing, bạn có tròn 60 phút để viết bài. Trong đó, dựa theo tỉ lệ điểm của 2 phần thi, lý tưởng nhất là bạn dành 20 phút cho Task 1 và 40 phút cho Task 2. Nên phân bổ 40 phút này như thế nào cho hợp lý đây? Làm theo quy tắc 5 - 30 - 5 này của Mysheo nhé:-
5 phút đầu sẽ dành để brainstorming để phác họa “bức tranh lớn”, hay còn có cách gọi dân dã là "lên dàn ý". Bước này là để đảm bảo cho lập luận logic trong bài được xuyên suốt và hợp lí. Tránh tình cảnh viết được 250 từ rồi mà lại nghĩ ra idea mới.
-
30 phút “múa bút” thể hiện tài năng.
-
5 phút cuối kiểm tra lại để đảm bảo có 1 bài viết “sạch bong sáng bóng” không lỗi. 5 phút cuối này cũng là 5 phút quyết định bạn sẽ "cuộc đời nở hoa" với band điểm như ý, hay "cuộc sống bế tắc" do tụt điểm vì những lỗi sai ngớ ngẩn đó!
Trường hợp nếu bạn không đủ 40 phút để làm Task 2 thì phải làm sao, chờ đến cuối bài để biết nha!
2. Bám sát keyword
Để không bị “lạc trôi” sang đề khác, nhất định phải bám sát keyword, như vậy bạn sẽ bám sát được topic question, tăng điểm tiêu chí Task Response (tiêu chí này chiếm tới 25% tổng số điểm bài Writing).
Vấn đề là làm sao xác định được đâu là keyword?
Phương pháp: Trước khi bắt tay vào viết, hãy dừng lại vài phút để phân tích đề bài. Đọc đề bài là gạch chân keyword luôn. Đây sẽ là các keyword “lớn", để bạn tìm thêm những keyword “nhỏ” hơn.
Ví dụ: Keyword trong đề là ‘’cycling’’.
Bạn có thể phát triển thêm một số điểm chính xoay quanh keyword lớn này như:
- environmentally friendly: thân thiện với môi trường
- good for health: tốt cho sức khỏe
- time-consuming: mất thời gian
3. Quy tắc ‘’Hỏi gì viết nấy’’
Theo quy tắc 5 - 30 - 5, bạn sẽ có 5 phút đầu giờ để lên ý tưởng cho bài viết. Để tận dụng tối ưu 5 phút brainstorming, bạn hãy viết hết tất cả những ý tưởng có trong đầu liên quan đến chủ đề trong bài (keyword lớn), không phân biệt hay dở, đúng sai.
Bước tiếp theo, bạn lọc ra những ý tưởng trực tiếp liên quan đến câu hỏi của đề bài rồi nhóm lại thành các ‘’group’’ với các ý lớn hơn. Những group này sẽ tạo thành các luận điểm chính trong bài của bạn.
Tiếp tục chọn ra 2 đến 3 luận điểm mà bạn nghĩ mình có thể khai thác nó một cách tốt nhất. Tips là những ý mà bạn chọn không nhất thiết nó phải là ý "đúng", miễn là bạn có thể triển khai nó một cách thuyết phục.
Cuối cùng, khi viết bài, hãy luôn nhớ rằng ta đang trả lời câu hỏi đề bài để không bị "lạc đề" nhé.
4. ‘’Example’’ là không thể thiếu
Kể hôm trước đi uống trà sữa gặp Sơn Tùng mà tụi bạn không tin. Thế phải làm sao? Phải có bằng chứng để giúp lập luận của bạn vững chắc hơn.
May là lấy bằng chứng trong IELTS khéo còn dễ hơn photoshop ảnh chụp cùng Sơn Tùng. Bạn có thể tự bịa ra ví dụ, nhưng phải đảm bảo tính khách quan, đừng quá vô lý là được. Quan trọng, là ví dụ đó phải liên quan trực tiếp và bổ sung cho luận điểm của bạn nhé.
5. Trình bày rõ ràng
Mỗi câu là tròn một ý, mỗi đoạn văn là một luận điểm.
Một bài Writing Task 2 thường sẽ được chia làm 4 - 5 đoạn văn, 2 trong số đó là mở bài và kết bài. Phần thân bài hãy chia thành 2 - 3 đoạn, mỗi idea là một paragraph. Các paragraph nên cách nhau 1 dòng để bài văn được thoáng đãng, dễ nhìn, dễ đọc.
6. Bài viết phải "mượt"
Tức là logic và mạch lạc. Sử dụng hợp lí từ nối câu, các trạng từ chuyển trạng thái sẽ giúp bài văn mạch lạc và tự nhiên hơn.
Bạn không nhất thiết phải áp dụng template mẫu cho các dạng đề Writing, miễn sao bài của bạn có lập luận hợp lí, mạch lạc. Để làm được bước này thì bước brainstorming phải hoàn thành tốt.
Một số công cụ giúp bạn brainstorm cho bài Writing hiệu quả: LINK
7. Phân bổ thời gian hợp lý
Nhất định phải dành đủ hoặc hơn 40 phút cho Task 2 vì Task 2 ăn điểm gấp đôi Task 1. Bạn chỉ có gần 20 phút để làm Task 1, đồng nghĩa với việc bạn phải chuẩn học cách nhặt số liệu, chia paragraph thành thạo cho phần này.
Để đảm bảo về mặt thời gian, ít nhất 1 tuần trước khi thi hãy tập căn thời gian cho bài viết của mình. Luyện tập liên tục để tạo thành routine: đọc đề - brainstorm - viết bài - kiểm tra lại, tất cả trong vòng 60 phút cho cả 2 task.
Một khi đã thành thói quen, bạn sẽ bớt được tình trạng bối rối khi vào phòng thi.
8. Tâm lý thoải mái, giữ gìn sức khỏe
Sau quá trình ôn luyện hết sức mình, bạn xứng đáng để có một ngày nghỉ ngơi, thả lỏng trước khi thi. Cố ôn chỉ làm bạn căng thẳng thêm. Và căng thẳng cũng không giúp bạn làm bài tốt hơn đâu.
Đừng quên tẩm bổ sức khỏe và không ăn đồ lạ hay hải sản trước khi thi, để có một cơ thể “cường tráng” nhất, bước vào “chiến trường” chinh phục IELTS nhé!