5 phương pháp luyện nghe - hiểu tiếng Anh bài bản
Nghe là một trong những kỹ năng khó nhất khi học tiếng Anh, đặc biệt là đối với người mới bắt đầu.
Nếu bạn vẫn đang gặp khó khăn với kỹ năng quan trọng này, hãy tiếp tục đọc bài viết sau. Mình sẽ chỉ cho bạn một số sai lầm mà hầu hết mọi người thường mắc phải khi học nghe tiếng Anh và cách cải thiện khả năng nghe tiếng Anh một cách hiệu quả.
Tại sao kỹ năng nghe lại quan trọng khi học tiếng Anh?
Lắng nghe đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu ngoại ngữ. Nó là nền tảng để phát triển ba kỹ năng còn lại (Nói, Đọc và Viết).
Việc học ngôn ngữ bắt đầu từ việc lắng nghe, giống như cách trẻ sơ sinh học nói vậy.
Không nghe có nghĩa là không có đầu vào. Không có đầu vào có nghĩa là không có gì được lưu trữ trong não của bạn. Và điều đó có nghĩa là sẽ không thể nói được, hay, không có đầu ra.
Vì vậy, nếu không luyện nghe, bạn chắc chắn không thể học được ngoại ngữ.
Bây giờ bạn đã biết tầm quan trọng của kỹ năng nghe trong việc học tiếng Anh. Nhưng nên luyện nghe bằng cách nào?
Để tìm ra phương pháp nghe tốt nhất, trước tiên hãy xem người học nghe thường gặp phải những khó khăn gì nhé!
5 thách thức bạn có thể gặp phải khi luyện nghe tiếng Anh
Có nhiều yếu tố khác nhau ngăn cản bạn hoàn thiện kỹ năng nghe của mình. Dưới đây là 5 lý do chính:
1. Vốn từ vựng hạn chế
Thiếu từ tiếng Anh có lẽ là lý do số một khiến bạn không thể hiểu hết những gì mình nghe được.
Nhưng thế chưa là gì!
Một trường hợp khác, thậm chí còn đau đầu hơn, đó là dù bạn biết hết các từ vựng, nhưng không thể nhận ra nghĩa của chúng khi nghe.
Bạn đã từng như thế này chưa: nghe audio thì không hiểu, nhưng lại dễ dàng hiểu được toàn bộ khi đọc script?
Điều này xảy ra bởi vì bạn học từ mới bằng mắt chứ không phải bằng tai. Bạn học từ ở dạng viết của nó nhưng lại bỏ qua dạng “âm thanh”.
Thêm nữa, có một số từ bạn đã từng học qua rồi, nhưng vì không nghe thấy thường xuyên, nên không thể nhận ra chúng ngay lập tức. Do đó, đôi khi bạn phải tạm dừng để nhớ lại nghĩa của các từ đó.
Trong khi bạn suy nghĩ, audio vẫn đang chạy và có thể còn kết thúc trước khi bạn kịp nhớ ra từ đó nghĩa là gì!
2. Bạn cố gắng hiểu từng từ một
Đây là một suy nghĩ sai lầm mà hầu như ai cũng mắc phải. Người học tiếng Anh có xu hướng nghĩ rằng để hiểu toàn bộ bài nghe, họ phải biết nghĩa của từng từ đơn lẻ.
Nếu bạn cố gắng hiểu từng từ trong khi nghe thì khi không biết từ nào đó, bạn sẽ phải dừng lại một lúc để suy nghĩ. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình nghe.
Bạn sẽ bỏ lỡ phần còn lại của bài nghe vì tâm trí bạn đang bận suy nghĩ về những gì đã qua. Đây là một lỗi rất phổ biến mà nhiều người học tiếng Anh mắc phải.
Khi bạn học tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác, bạn phải chấp nhận một thực tế rằng không phải lúc nào bạn cũng có thể hiểu hết mọi từ, vì kiểu gì cũng sẽ có một vài từ mới xuất hiện. Đồng ý với mình không?
Dựa trên các từ khóa, kiến thức nền tảng về chủ đề và ngữ cảnh của bài nghe, bạn có thể dễ dàng nắm được một cách chung nhất về thông điệp của bài nghe đó.
Nói cách khác, để hiểu được bài nghe, bạn không nhất thiết phải biết nghĩa của tất cả từ trong đó.
3. Bạn chưa hiểu các cấu trúc ngữ pháp
Vì bạn đang học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai nên các cấu trúc ngữ pháp của nó có thể rất mới và lạ đối với bạn. Có những cấu trúc của tiếng Anh hoàn toàn trái ngược với cách nói trong tiếng Việt,
Ngữ pháp không phải là điều quan trọng bậc nhất trong việc học tiếng Anh. Nhưng nghe mà không hiểu về các quy tắc ngữ pháp, thì có thể sẽ khá khó khăn đấy! Nó thậm chí còn khó hơn nếu bạn là người mới bắt đầu.
Hãy lấy một ví dụ đơn giản. Bạn chắc chắn biết nghĩa của các từ: long, airport, take, how, đúng chứ?
Giả sử nếu chúng được ghép lại với nhau như sau: How long does it take to get to the airport?
Kể cả khi bạn biết tất cả các từ trong câu này, nhưng nếu bạn không biết cấu trúc “How long does it take to (do something)? (Mất bao lâu để (làm điều gì đó)?)”, bạn cũng không thể hiểu hết nghĩa của nó.
Nghe là ngôn ngữ tiếp nhận được xử lý qua tai. Trong khi lắng nghe, bạn trở thành người tiếp nhận thông tin thụ động. Bạn không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Vì vậy, nếu bạn không nắm rõ về cấu trúc của ngôn ngữ đó, làm thế nào bạn có thể hiểu được đầy đủ thông điệp mà bạn đang tiếp nhận?
Xem thêm:
4 bước giúp bạn học Ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả
4. Các giọng (accent) khác nhau
Mỗi quốc gia đều nói tiếng Anh với một giọng địa phương (accent) riêng. Một số accent tiếng Anh phổ biến có thể kể đến: Anh - Mỹ, Anh - Anh, Anh - Úc, Anh - Ấn, v.v.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 66% người học tiếng Anh coi accent là một trong những yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến việc nghe. Có thể có nhiều cách khác nhau để phát âm cùng một từ tùy thuộc vào quốc tịch gốc của người đang nói.
Nếu bạn nói tiếng Anh Mỹ, bạn sẽ không dễ dàng nghe được tiếng Anh Ấn Độ hoặc các giọng tiếng Anh khác. Lý do là bạn không quen thuộc với âm thanh đó và bạn phải mất thời gian để suy nghĩ về ý nghĩa của nó; vì vậy, quá trình giao tiếp của bạn có thể bị chậm lại.
5. Thiếu kiến thức nền tảng (background knowledge)
Kiến thức nền tảng bao gồm hiểu biết về nhiều lĩnh vực: khoa học, văn hóa, kinh tế, chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, v.v. Trong đó, kiến thức văn hóa là quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến giao tiếp.
Bạn đã bao giờ trải qua tình huống mà bạn có thể nghe thấy mọi âm thanh trong cuộc trò chuyện, nhưng lại không hiểu họ đang nói gì?
Đó là do sự khác biệt trong văn hóa. Văn hóa và ngôn ngữ được gắn liền với nhau. Sự khác biệt về văn hóa gây ra sự hiểu lầm không chỉ trong việc nghe mà còn ở các khía cạnh khác của ngôn ngữ tiếng Anh.
Kiến thức nền tảng văn hóa đóng một vai trò tích cực trong việc nghe tiếng Anh. Nó giúp bạn có thể nói chuyện với những người đến từ các hoàn cảnh khác nhau. Nếu bạn hiểu biết về văn hóa của họ, bạn sẽ có thể hiểu được thông điệp họ đang muốn truyền tải qua ngôn ngữ.
Thêm nữa, các bài luyện nghe của bạn có thể liên quan đến bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống. Việc có kiến thức nền tảng sẽ giúp người nghe dự đoán và giải thích ý nghĩa mà không cần hiểu hết từng từ trong bài nghe.
Làm thế nào để cải thiện khả năng nghe tiếng Anh của bạn?
Dựa trên những vấn đề được liệt kê ở trên, Mysheo sẽ đưa ra một số giải pháp để cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh của bạn như sau.
1. Cải thiện khả năng phát âm
Chính xác, điều đầu tiên bạn phải làm là cải thiện khả năng phát âm của mình. Nếu bạn phát âm đúng, bạn sẽ nghe đúng.
Ví dụ, nếu bạn có thể phát âm chính xác từ "environment - môi trường”, về cả ngữ âm, trọng âm và ngữ điệu, bạn sẽ nhận ra ngay từ đó khi nghe.
Quy tắc này cũng được áp dụng cho cấp độ câu.
Xem thêm:
Mọi điều bạn cần biết về bảng phiên âm tiếng Anh IPA
Tuy nhiên, chỉ nghe, nhìn và bắt chước từng âm như / e /, / æ /, / t /, / u: / như một con vẹt mãi thì đúng là chán chết đi được.
Bạn hoàn toàn có thể thay đổi cách học của mình!
Nhưng bằng cách nào?
Chúng ta thật may mắn khi được sống trong thời đại công nghệ thông tin nhờ Internet. Hãy tận dụng tối đa sự phát triển này.
Việc học phát âm có thể được thực hiện gián tiếp bằng cách xem các bộ phim, video Youtube, tin tức, chương trình talkshow hoặc hàng ngàn video có sẵn khác trên Internet.
Trong khi xem, chỉ cần chú ý cách người nói di chuyển miệng và môi, ghi chú, và lặp đi lặp lại nhiều lần; tiếp tục làm điều này trong nhiều tháng và bạn sẽ ngạc nhiên về sự tiến bộ của mình đó.
2. Nghe mọi lúc, mọi nơi
Tất nhiên, để cải thiện khả năng nghe, bạn phải nghe thật nhiều; nghe một cách vô thức và nghe mọi lúc. Hãy nghe khi bạn ngồi trên bàn học, khi đang tập thể dục hoặc làm việc nhà, đang tắm, làm vườn hoặc di chuyển trên xe buýt.
Phương pháp này được gọi là nghe thụ động. Có ít nhất hai lợi ích mà bạn có thể nhận được từ việc này.
Nghe thụ động giúp tai bạn làm quen với âm thanh, trọng âm và ngữ điệu. Nói cách khác, nó như một bài thể dục cho tai. Khi tai của bạn đã quen với các âm thanh của tiếng Anh, dần dần bạn sẽ nghe tốt hơn.
Một lợi ích khác của việc nghe nhiều là vốn từ vựng của bạn sẽ được trau dồi liên tục. Bạn càng nghe nhiều, bạn càng biết nhiều từ vựng. Bạn càng biết nhiều từ vựng, bạn càng có nhiều thông tin đầu vào. Bạn càng có thể xây dựng nhiều đầu vào thì khả năng nghe của bạn càng tốt.
Podcast là một trong những nguồn luyện nghe thụ động tốt nhất. Tham khảo ngay:
6 kênh podcast luyện nghe phổ biến nhất cho người học tiếng Anh
Trước tiên, hãy bắt đầu lắng nghe những gì khiến bạn cảm thấy hứng thú, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Bạn cũng nên đọc nhiều tài liệu khác nhau để mở rộng đầu vào ngôn ngữ và kiến thức nền tảng, nó sẽ giúp việc nghe dễ dàng hơn nhiều.
Lặp lại bước này hàng ngày trong nhiều tháng cho đến khi nó trở thành thói quen của bạn. Đôi tai của bạn cần thời gian để làm quen với một ngôn ngữ hoàn toàn mới. Hãy nhớ rằng, "Practice makes perfect" - "Có công mài sắt, có ngày nên kim".
3. Xem phim tiếng Anh có phụ đề
Nếu bạn có thể lựa chọn giữa việc học nghe qua sách giáo khoa, audio và phim ảnh? Bạn thích cái nào hơn? Phim có vẻ thú vị hơn nhiều phải không?
Một khi bạn quan tâm đến điều gì đó, bạn sẽ chú ý nhiều đến nó và cố gắng để hiểu nó hơn. Đó là lý do tại sao bạn nghe hiểu qua phim tốt hơn là qua sách hay qua audio.
Phim mô phỏng các tình huống thực tế cuộc sống; vì vậy, ngôn ngữ phim tự nhiên, chân thực và gần gũi với bạn hơn ngôn ngữ trong sách giáo khoa. Ngôn ngữ trong phim cung cấp cho bạn một số đầu vào dễ hiểu để nghe tốt hơn trong cuộc sống thực.
Tại sao nên xem phim có phụ đề?
Đọc và nghe cùng lúc giúp bạn nghe hiểu dễ dàng hơn vì nó kết hợp cả hai giác quan: nhìn và nghe. Đọc riêng hoặc nghe riêng có thể mất nhiều thời gian để hiểu hơn là làm hai thứ cùng một lúc. Lời nói đến mắt bạn và âm thanh đến tai bạn sẽ thúc đẩy khả năng hiểu của bạn.
Tuy nhiên cần chú ý hai điểm khi xem phim với phụ đề:
-
Hãy xem phụ đề tiếng Anh, hoặc song song Anh - Việt
-
Không nên quá phụ thuộc vào phụ đề, vì bạn xem phim để cải thiện kỹ năng nghe chứ không phải đọc.
Xem thêm cách luyện nghe với phim tại đây:
Học tiếng Anh qua phim ảnh - Xem ở đâu? Học thế nào?
Nếu bạn không thích phim, bạn có thể thử xem các chương trình talkshow bằng tiếng Anh.
15+ Talk Show giải trí luyện nghe tiếng Anh - Anh, Anh - Mỹ hiệu quả
5. Kết hợp nghe và nói tiếng Anh (Shadowing)
Có hai cách để thực hành. Nghe và nói cùng lúc (shadowing) nếu bài nghe ngắn và dễ hiểu với bạn; hoặc nghe, tạm dừng, sau đó đọc lại nếu bài nghe dài và phức tạp hơn.
Shadowing là một kỹ thuật tuyệt vời để luyện nghe và luyện phát âm.
Chỉ cần xem một cảnh hoặc một đoạn video (khoảng hai phút thôi) thật nhiều lần, lặp lại những gì các diễn viên đang nói cho đến khi bạn có thể “nhại lại” cùng lúc với diễn viên mà không cần tạm dừng video.
Sau đó, bạn tắt phụ đề. Quan sát và “sao chép” các diễn viên; cố gắng bắt chước cả các chuyển động và nét mặt của họ. Khả năng phát âm sẽ được cải thiện rất nhiều, dẫn đến khả năng nghe cũng tiến bộ.
Ngoài phim ảnh, có nhiều cách khác để áp dụng kỹ thuật này. Ví dụ, sau khi đọc một cuốn sách, bạn có thể tận dụng file audio (nếu có) của cuốn sách đó để luyện tập.
Sau một thời gian thực hành kỹ thuật shadowing, bạn sẽ thấy việc nghe - nói tiếng Anh ngày càng dễ dàng hơn.
Xem thêm:
Cách luyện Shadowing giúp bạn chuẩn hóa phát âm tiếng Anh
6. Luyện nghe sâu
Luyện nghe sâu có nghĩa là gì?
Nó có nghĩa là chăm chú lắng nghe và lặp đi lặp lại việc nghe nhiều lần. Bạn có thể nghe một bài audio trong vài tuần cho tới khi bạn đã thuộc lòng từng câu chữ của bài nghe đó. Cố gắng biến nó thành một thói quen. Ngôn ngữ vừa là sự xây dựng nhận thức, vừa là thói quen.
Nghe đi nghe lại nhiều lần sẽ củng cố trí nhớ của bạn về từ vựng, cụm từ, cấu trúc và cách phát âm.
Tất nhiên, việc nghe đi nghe lại nhiều lần có thể rất nhàm chán.
Sau vài lần nghe đầu tiên, bạn đã nắm được phần lớn từ vựng và cấu trúc ngữ pháp của bài nghe.
Bây giờ, bạn hãy áp dụng phương pháp nghe thụ động và nghe bài audio đó nhiều lần mỗi ngày. Nghe đi nghe lại chỉ một bài và nghe mọi lúc mọi nơi,
Bạn sẽ thấy ngạc nhiên về tiến độ nghe của mình. Nghe càng nhiều lần, bạn càng có thể nhận ra mọi từ, cụm từ và câu một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Một sự tiến bộ cực kỳ lớn nếu so với lần nghe đầu tiên, phải không nào?
Câu hỏi là, bạn nên tìm tài liệu luyện nghe ở đâu?
Đáp án rất đơn giản.
Quy tắc số 1: chọn một chủ đề mà bạn yêu thích hoặc ít nhất là hứng thú.
Quy tắc số 2: không chọn bài nghe quá phức tạp hay quá đơn giản. Một tài liệu luyện nghe tốt là khi bạn hiểu ít nhất 70-80% nội dung của nó.
Lời kết
Phương pháp học tập đơn giản ĐẢM BẢO thành công là “làm cho nó dễ dàng đến mức bạn không thể nói không”. Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, sau đó biến hoạt động nghe thành một thói quen.
Hãy thử làm theo những hướng dẫn luyện nghe tiếng Anh mà mình đã chia sẻ trên đây, bạn sẽ thấy khả năng nghe của mình sẽ được cải thiện nhanh chóng và đáng kể đấy!
Chúc bạn thành công!
*Nếu bạn có dự định làm việc trong môi trường nước ngoài, hãy tham khảo khóa học Giao tiếp vượt ngưỡng - tiếng Anh giao tiếp cho công việc của mình nhé!
Khóa học là tổng hợp những kinh nghiệm mình rút ra trong những năm sinh sống và làm việc tại Mỹ. Bấm vào link dưới đây để tham khảo: